ĐAU ĐẦU GỐI Ở NGƯỜI TRẺ - TÌNH TRẠNG CHỚ XEM THƯỜNG

Trước đây, mọi người thường hay nghĩ rằng tình trạng đau đầu gối chỉ xuất hiện đối với người có tuổi chứ không xuất hiện ở người trẻ. Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng đau đầu gối đang dần trẻ hóa và gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt của nhiều người. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho người trẻ sớm đau đầu gối? Có giải pháp nào cho vấn đề này? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn.

Tình trạng đau đầu gối ở người trẻ không còn là điều hiếm gặp. Triệu chứng này thông thường có nguồn cơn từ những chấn thương hoặc do những thói quen kém lành mạnh trong cuộc sống gây nên. Đặc biệt, đau đầu gối cũng là dấu hiệu ngầm cảnh báo cho những bệnh lý xương khớp nguy hiểm mà ta cần đặc biệt lưu ý.

Ngoài những cơn đau dai dẳng khó chịu, người bệnh còn gặp những triệu chứng khác: sưng, nóng tại vùng bị ảnh hưởng, khi di chuyển thì đầu gối cũng phát ra những âm thanh “lạo xạo”, thậm chí là cứng khớp vào mỗi buổi sớm. Để giải quyết dứt điểm những vấn đề trên, bệnh nhân cần tiên quyết xác định rõ gốc rễ của những cơn đau để từ đó tìm được phương pháp điều trị phù hợp.

Điểm danh những nguyên nhân khiến người trẻ đau đầu gối

Ở người cao tuổi, những cơn đau đầu gối thường xảy ra bởi những nguyên do: tuổi tác, sự lão hóa gây nên tình trạng xương khớp suy giảm. Đối với người trẻ, đau đầu gối có thể đến từ những nguyên nhân sau đây:

Gãy xương

Đầu gối là một trong những khớp lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ xương khớp bởi nó đóng vai trò tựa như “bản lề” giúp mọi cử động của cơ thể diễn ra trơn tru, mượt mà. Thêm nữa, đầu gối còn có nhiệm vụ quan trọng đó là “gánh” toàn bộ trọng lượng phần trên của cơ thể nên rất dễ đau nhức, thậm chí có thể gặp những tổn thương nghiêm trọng như việc chấn thương, gãy xương...

Tình trạng này sẽ xảy ra khi có một lực tác động mạnh khiến đầu gối chấn thương như: ngã, tai nạn giao thông, tai nạn khi tham gia thể thao, tai nạn sinh hoạt… Theo đó, chấn thương phổ biến nhất là gãy xương bánh chè (xương nhỏ nằm ở đầu gối, có vai trò che chở mặt trước của khớp gối).

Người gãy xương có những biểu hiện: sưng, đau, xuất hiện bầm tím ở khu vực bị ảnh hưởng và khả năng di chuyển bị hạn chế, thậm chí là không thể đi lại.

Trật khớp

Như đã chia sẻ ở trên, xương bánh chày rất dễ tổn thương và việc trật khớp cũng liên quan đến cấu trúc này.

Đối với người trẻ, trật khớp thường có biểu hiện: đau đầu gối, cơn đau thường trở nặng khi cố gắng hoạt động dù chỉ là một động tác đơn giản. Đa số các trường hợp trật khớp là do chấn thương thể thao, té ngã, tai nạn giao thông. Thêm nữa, những người thường chuyển hướng đột ngột cũng dễ gặp phải tình trạng trật khớp.

Chấn thương dây chằng

Khớp gối thường được cấu thành bởi: xương đùi, xương bánh chè và xương chày. Ba loại xương này được liên kết với nhau bởi 4 sợi dây chằng chính. Khi một hoặc nhiều dây chằng gặp tổn thương thì chức năng của khớp gối đều gặp ảnh hưởng.

Theo các nhà nghiên cứu, dây chằng chéo trước (sợi kết nối giữa xương chày và xương đùi) thường dễ bị chấn thương khi người bệnh tham gia các môn thể thao cường độ mạnh hoặc có sự va chạm trực tiếp ở vùng gối.

Tình trạng chấn thương dây chằng chéo trước được biết đến với cái tên thân thuộc hơn đó là “bong gân” và phân cấp độ dựa trên các mức thương tổn. Nhìn chung, ở người trẻ sẽ có những biểu hiện như: đau đầu gối, không thể đứng vững, lỏng gối (cảm giác chân yếu mỗi khi di chuyển), sưng viêm rõ rệt tại vùng bị ảnh hưởng.

Rách sụn chêm

Tình trạng đau đầu gối ở người trẻ có thể gây ra bởi việc rách sụn chêm. Chúng ta có thể hình dung, sụn chêm tựa như lớp đệm hình lưỡi liềm có khả năng phân bố đều các chất nhờn bôi trơn, dinh dưỡng và tạo sự ổn định cho khớp mỗi khi vận động.

Khi sụn chêm bị rách hoặc tổn thương sẽ gây nên sự cản trở hoạt động của đầu gối, đồng thời gây nên các biểu hiện: đau nhức, sưng, cứng gối. Ở người trẻ, việc rách sụn chêm thường xảy ra đột ngột sau khi người bệnh gặp một chấn thương ở tư thế gập gối đồng thời chân bị vặn xoắn. Rách sụn chêm rất dễ gặp ở những chấn thương thể thao hoặc tai nạn giao thông. Nếu người bệnh không sớm có biện pháp can thiệp thì có nguy cơ mất đi khả năng cử động đầu gối.

Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch được coi là lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp, da, gân, có tác dụng giúp cho gân di chuyển dễ dàng mà không gặp tổn thương khi chúng ta thực hiện các thao tác co, duỗi. Theo đó, hiện tượng viêm bao hoạt dịch được xếp vào nhóm các bệnh lý xương khớp xảy ra bởi nhiều nguyên nhân như: nhiễm khuẩn, chấn thương… làm hạn chế vận động. Đặc biệt, nếu không có giải pháp điều trị đúng đắn thì người bệnh có thể bị tê cứng khớp, thậm chí bại liệt hoàn toàn. 

Nếu hiện tượng viêm bao hoạt dịch ở người già có nguyên do bởi sự thoái hóa khớp, thì ở người trẻ nguồn gốc bệnh đó là từ việc thực hiện một thao tác liên tục với tần suất thường xuyên (trong 1 số ngành nghề) khiến bộ phận này bị kích thích, viêm và từ đó gây ra cơn đau đầu gối.

Viêm gân bánh chè

Gân bánh chè là phần nối giữa xương cẳng chân và xương bánh chè. Tình trạng viêm gân bánh chè xảy ra do bộ phận này vận động quá mức. Bệnh thường gặp ở những người yêu thích thể thao hoặc hay tham gia những trò chơi có vận động mạnh, hậu quả là người bệnh sẽ bị đau vị trí trước đầu gối nơi gân bị viêm và cơn đau thường có xu hướng gia tăng thêm nếu người bệnh thực hiện thao tác leo cầu thang, ngồi xổm.

Có một số trường hợp bị viêm gân bánh chè khi đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện những thăm khám lâm sàng như chụp X - quang, siêu âm để loại trừ nguyên do cơn đau là do việc rách sụn chêm hoặc tổn thương dây chằng.

Thoái hóa khớp gối

Hiện nay, thoái hóa khớp gối đã không còn là vấn đề của tuổi già, bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu và vô cùng đau đớn. Nguyên do bởi lúc này sụn khớp đã bị bào mòn đến mức không còn có khả năng che chở và bảo vệ khiến các đầu xương cọ xát vào nhau mỗi khi di chuyển.

Đối với người trẻ, nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối thường bắt nguồn từ các vấn đề như: dị dạng bẩm sinh, biến dạng sau chấn thương, lười vận động, tăng cân quá mức… Bên cạnh đó, những đối tượng đái tháo đường hoặc tăng huyết áp cũng rất dễ mắc bệnh lý này.

Thừa cân, béo phì

Đây là một trong những lý do dẫn đến hiện tượng đau đầu gối ở người trẻ. Bởi phần trọng lượng dư thừa của cơ thể sẽ tạo áp lực cho khớp gối, khiến khớp này đau mỏi thường xuyên hơn.

Thông thường, theo mỗi bước đi của chúng ta, khớp gối sẽ gánh một lực gấp 0,5 lần trọng lượng cơ thể. Lực này sẽ tăng gấp 5 lần mỗi khi bạn thực hiện thao tác chạy. Nếu bạn về lâu dài vẫn giữ mức cân nặng “quá khổ” sẽ tạo áp lực khiến các mô sụn bị thương tổn, từ đó làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.

Lối sống và chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh

Hiện nay, giới trẻ do áp lực từ công việc, cuộc sống cũng như sự chủ quan từ bản thân dẫn đến việc ăn uống qua loa, thiếu dinh dưỡng khiến cơ thể thiếu chất. Cộng thêm việc lười vận động và những thói quen xấu như thức khuya, uống rượu bia , hút thuốc làm ảnh hưởng và suy yếu xương khớp.

Biện pháp khắc phục tình trạng đau đầu gối ở người trẻ

Trên thực tế, hiện tượng đau đầu gối ở người trẻ nếu bắt nguồn từ việc chấn thương hay do lối sống thiếu lành mạnh thường không quá nghiêm trọng. Ngoài việc dùng thuốc giảm đau, người bệnh có thể cải thiện tình trạng của mình bằng cách áp dụng một vài biện pháp tại nhà.

Tuy vậy, trong nhiều trường hợp nếu bạn nghi ngờ cơn đau đầu gối có liên quan tới bất kỳ một bệnh lý nào thì nên ngay lập tức đến bệnh viện để kiểm tra và chẩn đoán sớm. Nếu chậm trễ, bệnh sẽ chuyển hướng xấu và gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.

Dưới đây là gợi ý về những biện pháp khắc phục chứng đau đầu gối ở người trẻ: 

Tập thể dục

Việc tập thể dục không làm tình trạng đau đầu gối nặng hơn mà còn giúp củng cố các cơ xung quanh đầu gối, giúp giảm chứng đau nhức cụ thể nếu bạn biết lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng của mình. Trước khi tập thể dục, nên dành một vài phút thực hiện khởi động để khớp gối được giãn ra, tránh tình trạng co cứng và chuột rút.

Nếu nhận thấy đầu gối có biểu hiện như: nhức, tê mỏi khi tập… thì bạn nên dừng bài tập ngay. Thêm nữa, bạn cần chú ý tránh những bài tập yêu cầu gập khớp gối quá nhiều hay vặn khớp quá mức.

Áp dụng phương pháp RICE

Người trẻ nếu muốn khắc phục chứng đau đầu gối có thể áp dụng phương pháp RICE dưới đây:

Rest - Nghỉ ngơi: Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế việc đi lại trong thời gian đầu. Nếu bạn buộc phải di chuyển nhiều thì bạn có thể sử dụng gậy để chống đỡ một phần trọng lượng cơ thể, hoặc bạn có thể nhờ người thân hỗ trợ.

Ice - Chườm đá: Đây là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong trường hợp cơn đau đầu gối kèm theo những biểu hiện: sưng, nóng. Nhiệt độ lạnh khiến mạch máu co lại, giảm lưu lượng tuần hoàn đến khớp gối làm triệu chứng viêm biến mất nhanh chóng. 

Compression - Nén/ép: Định hình đầu gối với gạc, tuy vậy cần tránh băng bó quá chặt làm máu kém lưu thông khiến đầu gối khó cử động.

Elevation - Nâng cao: Khi bạn nghỉ ngơi, hãy để phần đầu gối lên cao hơn 1 chút để giúp lưu thông máu tốt hơn. Bạn có thể sử dụng ghế hoặc gối mềm kê cho đầu gối.

Duy trì cân nặng hợp lý

Người đau đầu gối, nhất là những đối tượng thừa cân, béo phì nên có một chế độ giảm cân khoa học giúp cơ thể khỏe mạnh, làm giảm đi áp lực lên khớp gối. Tuyệt đối tránh ăn kiêng, kiêng khem quá mức làm cơ thể suy nhược, thiếu chất khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.

Châm cứu

Châm cứu là phương pháp y học cổ truyền rất hữu hiệu đối với người bệnh đau khớp gối. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc châm cứu kích thích cơ thể sản sinh endorphin - chất giảm đau tự nhiên. Châm cứu còn là một biện pháp an toàn, ít gây rủi ro. Ngoài ra để tăng hiệu quả cho phương pháp châm cứu, bạn có thể kết hợp thêm các biện pháp: xoa bóp, bấm huyệt.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin về tình trạng đau khớp gối của người trẻ cũng như cách khắc phục hiệu quả.